Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền, dấu hiệu trầm cảm sau sinh ở nam giới thường ít biểu lộ ra bên ngoài. Họ có thể cảm thấy mệt mỏi, muốn khóc, đau đầu và không nhận ra mình đang bị trầm cảm. Thay vào đó, những người đàn ông này có xu hướng sống khép kín, dễ cáu giận, hay gây sự và tranh cãi với vợ.
Những người chồng tự tạo áp lực quá lớn cho mình thường có nguy cơ cao mắc trầm cảm. Thường xảy ra ở ông bố kỳ vọng vào đứa con sắp chào đời nhưng không được như mong muốn, ví dụ về giới tính, ngoại hình... Họ cảm thấy hụt hẫng và chán nản.
"Biểu hiện thường thấy là sự bi quan, luôn tìm cách xa lánh con, xấu hổ với gia đình. Nếu không được giải tỏa về mặt tâm lý sẽ dễ gây ra những hành động tiêu cực khác", bà Huyền nói.
Ảnh minh họa: CT
Theo GN, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pediatrics, Mỹ, cho thấy trong 5 năm đầu khi có con, tỷ lệ mắc trầm cảm ở các ông bố tăng 68%. "Nếu người vợ bị trầm cảm sau sinh thì người chồng sẽ có nguy cơ mắc tới 40%", tiến sĩ tâm lý Gabrielle Mauren nói.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Auckland ở New Zealand khảo sát và thu được kết quả là hơn 2 trong số 100 ông chồng bị ảnh hưởng bởi trầm cảm trong thời gian vợ mang thai. Trong 100 ông bố thì có 5 bị trầm cảm sau khi em bé chào đời.
Thạc sĩ Huyền khuyên những ông bố tương lai nên đi kiểm tra sức khỏe và tâm lý trước khi con họ chào đời. Lý do là họ cũng có thể gặp các triệu chứng của trầm cảm trong thời gian vợ mình mang thai. Để cải thiện tâm lý, ngoài việc ngủ đủ giấc cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, dành nhiều thời gian bên cạnh vợ mình hơn.
Cả vợ và chồng cũng nên học những kỹ năng cần thiết trong việc chăm con và chuẩn bị tinh thần để chào đón đứa trẻ ở các lớp tiền sản. Đặc biệt, thường xuyên giao tiếp, nói chuyện thẳng thắn với nhau để thúc đẩy sự hòa hợp, đồng cảm, giảm căng thẳng và mệt mỏi khi cùng nhau làm cha mẹ.
Theo VNE