Articles by "Marketing"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Marketing. Hiển thị tất cả bài đăng

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao sau khi mua một đôi giày (hay bất cứ mặt hàng tiêu dùng nào khác) trực tuyến, nhiều tuần hay thậm chí nhiều tháng tiếp theo bạn sẽ liên tục thấy các quảng cáo hoặc khuyến mãi liên quan đến những mẫu giày tương tự ở gần như mọi website bạn ghé thăm?

Hơn thế nữa, bạn còn có thể thấy đôi giày nào những người bạn trên Facebook đã mua, và đôi giày nào ‘những người tương tự như bạn’ đã mua.
Vấn đề là bạn đã hoàn thành đơn hàng, vậy tại sao vẫn tiếp tục bị tấn công dồn dập bởi các quảng cáo liên quan đến các sản phẩm đã mua?
Lý do rất đơn giản: công nghệ cá nhân hóa website và hoạt động quảng cáo nhắm mục tiêu (Targeting advertising) đang ngày càng phổ biến. Ngoài những phương pháp xác định đối tượng gởi thông điệp quảng cáo khác nhau như Audience Targeting, Contextual Targeting, Geotargeting,... Marketer hiện gia tăng tận dụng hoạt động theo dấu và phản hồi với những hành động quá khứ của người dùng.
Cơ chế này thường được biết đến với tên gọi Behavioral targeting – nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên hành vi. Theo đó, các website tiến hành nhận dạng mẫu hình tương tác của người dùng từ các hành vi lướt web trong quá khứ của họ, và sử dụng chúng để phục vụ cho quá trình ra quyết định phân phối quảng cáo.
Có 4 dạng thông tin cơ bản từ các tương tác trong quá khứ của người dùng:
  • UserBehavior (Hành vi người dùng): gồm các nhấp chuột, tìm kiếm, xem trang và xem những sản phẩm trong quá khứ
  • Social Events (Sự kiện trên mạng xã hội): gồm những hành động như Like, Share, đề cập hay gợi ý trên cộng đồng mạng xã hội.
  • Item Details (Chi tiết sản phẩm): gồm tên, danh mục, giá, mô tả và một số thông tin khác liên quan đến các sản phẩm được khuyến mãi.
  • Contextual Information (Thông tin ngữ cảnh): như thời gian trong ngày, thời tiết, thiết bị, vị trí hiện tại, liên kết được đề nghị, hay những truy vấn tìm kiếm gốc liên quan đến các khuyến mãi.
Với sự hỗ trợ từ các dữ liệu thu thập ở trên, quá trình nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên hành vi cơ bản sẽ được tiến hành theo một trong hai phương pháp bên dưới:
  • Content-Based Filtering (lọc dựa trên nội dung): khai thác những thuộc tính của nội dung/thông tin sản phẩm người dùng từng mua, sử dụng hoặc truy cập trong quá khứ để tạo nên các đề nghị/quảng cáo. Cách thức này có hiệu quả tốt với dạng thông tin được biểu diễn bằng các đặc trưng nội dung (ví dụ như dạng văn bản) nhưng lại gặp khó khăn trên các dạng thông tin đa phương tiện như hình ảnh, âm thanh, tương tác hoạt họa,...
  • Collaborative Filtering (lọc cộng tác): khai thác những thói quen sử dụng sản phẩm của cộng đồng người dùng có cùng sở thích để tạo nên danh sách các sản phẩm đề nghị.

Hạn chế của Behavioral Targeting

Giả thiết cơ bản đằng sau cơ chế Behavioral targeting là – thứ người dùng đã làm trong thời gian gần đây xác định thứ họ sẽ có khả năng lặp lại trong tương lai. Cụ thể, hệ thống sẽ theo dấu các thao tác quá khứ, dự báo những thứ người dùng này có thể muốn trong tương lai để mang đến những thông điệp, những lời đề nghị về sản phẩm, nội dung hay quảng cáo được cá nhân hóa.
Nó được kỳ vọng sẽ hiển thị đúng quảng cáo hoặc sản phẩm đến đúng đối tượng.
Vấn đề là từ góc nhìn của tâm lý học, không có bất cứ cơ sở nào hỗ trợ cho giả định này. Việc tôi đã mua một đôi giày cách đây 2 tuần không phải là cơ sở vững chắc để dự đoán có thể tôi sẽ tiếp tục mua một đôi tương tự vào tuần tới hoặc tháng tới.
Bên cạnh đó, cơ chế lọc đối tượng dựa trên hành vi quá khứ cũng tiềm ẩn tính không chính xác. Lấy ví dụ cơ chế Collaborative filtering làm nảy sinh các câu hỏi như: độ tương đồng giữa những người dùng được đo lường như thế nào? Khi nào thì hai cá nhân được xem là tương đồng? Bao nhiêu điểm chung cần có để các cá nhân được xem là tương đồng?... Hơn nữa, người dùng thường có tiềm thức về chủ nghĩa cá nhân – một phản xạ tâm lý dạng như ‘tôi không giống người khác’ – nên sẽ có xu hướng từ chối những lời đề nghị được tùy chỉnh dựa trên những điểm tương đồng được xác định bởi các thuật toán máy tính.
Lòng tin của người dùng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người dùng xóa các cookie trong máy tính hay thiết lập các trình duyệt để khóa một phần hoặc toàn bộ cookie vì cảm thấy khó chịu với việc các hoạt động của mình bị theo dõi liên tục? Điều này có thể làm suy giảm trầm trọng độ chính xác của các dữ liệu hành vi và giới hạn khả năng tiếp thị dựa trên thị hiếu và sở thích cá nhân.
Và sau cùng, chuyện gì xảy ra nếu một ‘người dùng’ không thực sự là một cá nhân. Ví dụ như một vài thành viên trong gia đình có thể luân phiên sử dụng chung các thiết bị để lướt Web.

Phương pháp tiếp cận mới

Tất cả những hạn chế nêu trên không nhằm chứng minh Behavioral targeting không thể cung cấp một nền tảng hiệu quả cho quá trình cá nhân hóa. Thay vào đó, nó tạo tiền đề cho những công nghệ dựa trên trải nghiệm người dùng tiên tiến hơn, giúp đánh giá và quản lý ở mức độ vi mô các hành vi người dùng trên trang.
Theo đó, Marketer sẽ cá nhân hóa dựa trên quan điểm (Mindset), mục đích (Affect) và mức độ bị tác động bởi người khác (Suggestibility) của từng người dùng khi lướt web. Điều này cho phép nâng quá trình cá nhân hóa lên một tầm cao mới – tạo ảnh hưởng không chỉ đến mức độ hài lòng của người dùng và nhận dạng thương hiệu mà còn mang lại lợi nhuận thực sự.
Theo một bài viết trên chuyên trang Techcrunch của Liraz Margalit – chuyên gia tâm lý học phân tích trải nghiệm người dùng tại ClickTale, người dùng đến trang có thể chia làm hai nhóm cơ bản dựa trên Mindset – một chỉ đơn giản lướt Web (Browser) và nhóm còn lại có định hướng mua hàng rõ ràng (Goal-oriented Visitor). Việc phân định người dùng nào rơi vào nhóm nào có thể được đo lường và xác định theo thời gian thực thông qua hành vi mua sắm của họ trên trang. Sau đó, các nội dung và thông tin khuyến mãi có thể được cá nhân hóa trên những trang tiếp theo mà người này ghé đến.
Không dừng lại ở đó, Marketer còn có thể đào sâu hơn nữa vào tính cách người dùng để cho ra các nội dung phù hợp nhất. Điều này cũng giúp Marketer biết tường tận về người dùng để đảm bảo không cá nhân hóa sai lầm.
Ngoài ra, một trong những đặc điểm tính cách quan trọng nên được đo lường đó là “Suggestibility” – được định nghĩa là “tính cách sẵn sàng chấp nhận và hành động dựa trên các đề nghị của người khác”.
Người dùng có thể thuộc về một trong 2 nhóm Browser và Goal-oriented Visitor. Nhưng một khi xác định được người này dễ bị ảnh hưởng bởi các lời đề nghị (Suggestible visitor) dựa trên hành vi của họ tại trang đích (landing-page), thì Marketer sẽ có hướng cá nhân hóa phù hợp cho các trang tiếp theo một cách đơn giản và hiệu quả hơn.

Vậy làm cách nào để nhận dạng một Suggestible visitor?

ClickTale – công ty chuyên về phân tích các trải nghiệm số – đã phát triển một giải pháp giúp nhận dạng tính cách Suggestibility ở người dùng.
Chúng ta sẽ không tìm hiểu sâu về cơ chế đằng sau phương pháp này, nhưng có thể giải thích dễ hiểu như: tại trang landing-page (hoặc trang đầu tiên mà người dùng ghé đến Website), một người dùng được xác định là ‘dễ bị ảnh hưởng’ khi hành động đầu tiên của họ là nhìn ngay vào các sản phẩm mà trang gợi ý.
Suggestible visitor này sẽ nghiên cứu kỹ các tab điều hướng trên toàn bộ Website và thường cho thấy một mức độ gắn kết cao trên trang. Họ sẽ theo dõi sít sao các đề nghị đặc biệt, các nội dung được làm nổi bật hay các thông tin khuyến mãi. Họ cũng sẽ nhìn vào những mặt hàng phổ biến hoặc được yêu thích nhất, nhấp chuột vào video quảng cáo và tìm kiếm các thông tin bổ sung hoặc hàng hóa có liên quan.
Ví dụ, một người dùng ghé đến trang dịch vụ du lịch – với hành động đầu tiên là xem qua các gói khuyến mãi cho kỳ nghỉ mà trang đưa ra – có thể được xem là một Suggestible visitor (Ngược với một người dùng khác mới đến Website là đi ngay vào mục tìm kiếm chuyến bay với một đích đến cụ thể). Các Suggestible visitor cho thấy rằng họ sẵn sàng xem xét những thứ trang đang đề nghị và sẵn sàng tiếp nhận cái mới.
Tùy vào người dùng thuộc dạng nào được xác định ở trang đầu tiên, cách thức cá nhân hóa cho người này ở các trang tiếp theo về cơ bản cũng sẽ khác hoàn toàn. Hơn nữa, quay trở lại với trải nghiệm mua giày ở trên, người dùng bị quảng cáo mẫu giày đã mua rồi. Điều này cho thấy, việc dựa trên hành vi quá khứ đôi khi khiến quá trình cá nhân hóa quảng cáo hoàn toàn sai lệch. Nói cách khác, không thể chỉ dùng hành vi quá khứ để dự đoán quyết định mua sắm tương lai của người dùng.

Tóm lại

Nhà nhân học Jarno M.Koponen đã liệt kê 5 lỗ hổng trong quá trình cá nhân hóa, có lẽ đến lúc cần bổ sung thêm cái thứ 6 – lỗ hổng trong hành vi. Chỉ cần đưa thêm cái nhìn ở góc độ hành vi vào việc hiểu người dùng web, Marketer có thể tiến hành cá nhân hóa nội dung sao cho khớp với mindset, affect, và suggestibility của người dùng một cách hiệu quả nhất.
Khi người dùng ngày càng trở nên tinh tế và tính cạnh tranh trên thị trường liên tục gia tăng theo cấp số nhân, các trang web muốn tồn tại phải có tầm nhìn vượt khỏi những hành vi quá khứ, để từ đó tạo nên các cơ chế cá nhân hóa gây được ảnh hưởng thực sự đến conversion (hành động chuyển đổi của người dùng) và thúc đẩy lợi nhuận.

Những ngày gần đây, nhiều sự kiện mới diễn ra khi người sử dụng Gmail truy cập vào tài khoản của mình. Thay vì hiện ra giao diện như bình thường, Google sẽ thông báo đến người dùng một dịch vụ thử nghiệm mới mang tên “Inbox by Gmail” như một thông báo thay thế ứng dụng Gmail cũ.

Một pop-up sẽ hiện ra khi người dùng đăng nhập vào phần Inbox này với nội dung “Gmail đã chuyển sang Inbox. Cảm ơn bạn đã dùng thử ứng dụng. Để thuận tiện hơn, chúng tôi đang tiến hành chuyển Gmail của bạn trực tiếp qua đây. Bạn vẫn có thể trở về Gmail bất cứ lúc nào từ menu chính”
ảnh google,gmail,inbox by gmail
(Inbox được cho rằng sẽ thay thế trực tiếp Gmail)
Sau 14 tháng thử nghiệm, Google thấy “Inbox by Gmail” có đủ điều kiện để phát triển cho giai đoạn đầu tiên. Chính vì thế, hãng hiện đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc “di cư” này trên diện rộng.
Có một điều thú vị nữa, đó là một vài người dùng Inbox nói rằng họ đã được Google gợi ý chuyển từ Gmail sang Inbox cách đây vài tháng trước và phản hồi của họ rất khả quan và tích cực.

Vậy sự thay đổi này liệu có phải dấu chấm hết cho Gmail?

Động thái của Google cho thấy hãng đang tìm kiếm sự đổi mới cho một dịch vụ đã tồn tại 11 năm tuổi và có hơn 900 triệu người sử dụng trên toàn thế giới. Với việc Inbox được trang bị nhiều tính năng tự động, bao gồm trình nhận diện hình ảnh thông minh, vé, nhắc nhở cùng nhiều các chức năng khác, có thể coi đây là hồi đáp cho câu hỏi “Tại sao Gmail không được nâng cấp trong suốt thời gian qua?”
Song, cuộc đặt cược này vẫn quá hên xui. Bởi mỗi tài khoản Gmail là nòng cốt cho các dịch vụ Google cũng như hệ điều hành Android. Việc chuyển đổi này chắc chắn là một ván cờ mà Google không được phép mắc sai lầm.
Nguồn: The Force

Trong thế kỉ 20, David Ogilvy được mệnh danh là “Cha đẻ của quảng cáo” bởi tài năng truyền tải những thông điệp rõ ràng, niềm đam mê bất tận và những thành công đáng nể phục.
Xuyên suốt sự nghiệp làm một nhà quảng cáo và copywriter, Ogilvy đã sáng tạo ra những chiến dịch marketing xuất sắc và điển hình trên toàn thế giới. Có thể kể tới chiến dịch kinh điển như “Man in the Hathaway Shirt”, cộng với những nỗ lực đáng kể trong đóng góp của ông với ngành quảng cáo thông qua thời gian làm việc cùng Rolls Royce, Schwepps và Puerto Rico.
Không có gì ngạc nhiên khi tờ Time vào năm 1962 đã không ngớt lời ca ngợi ông như là “Thiên tài được săn lùng nhất trong ngành quảng cáo”. Ông chính là “Người Anh nổi tiếng” duy nhất trong mắt những nhà marketer Mỹ thời ấy.
Ngày nay, dù thế giới đã bước sang kỷ nguyên số, chúng ta vẫn có thể học hỏi từ những chiến dịch đã thành công của Ogilvy để thuyết phục và gây ấn tượng với người dùng.
David Ogilvy đã để lại rất nhiều bài học bàn về năng suất, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu hay thậm chí là tham vọng. Ngoài ra, ông cũng có những câu nói đắt giá dành cho những người làm trong nghề marketing có thể tham khảo và dựa vào để có một cái nhìn sâu sắc về ngành quảng cáo:
1. Hãy luôn thử nghiệm, càng thử nghiệm nhiều hiệu quả tiếp thị sẽ càng được cải thiện
Khác với nhiều chuyên gia marketing thời điểm đó luôn đề cao tính sáng tạo và trí tưởng tượng, gần như chỉ có Ogilvy quan tâm đến việc nghiên cứu và điều tra thị trường – bước không thể thiếu trong tiếp thị hiện đại ngày nay.
Đối với David Ogilvy, marketing luôn phải song hành với các số liệu cụ thể như sự tương tác với khách hàng, nhằm đánh giá xem chiến lược đó có hiệu quả hay không. Nếu chưa thật sự đúng đắn thì phải sử dụng nhiều kết quả nghiên cứu hơn để mang đến phương thức phù hợp nhất cho từng trường hợp.
2. Đừng bao giờ sáng tạo ra một thông điệp mà chính bạn cũng không muốn người thân của mình đọc được
Marketing luôn phải song hành với các số liệu cụ thể như sự tương tác với khách hàng, nhằm đánh giá xem chiến lược đó có hiệu quả hay không.
Con người ta luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho những người trong gia đình của mình, vì vậy nếu có bất cứ điều gì khiến họ cảm thấy khó chịu, đừng khiến khách hàng của bạn phải chịu chung số phận đó.
Đây là một lời cảnh tình cho những nhà marketing trẻ hiện nay khi mải mê viết nên những thông điệp quảng cáo sáo rỗng, sử dụng nhiều biệt ngữ khó hiểu cốt để gây ấn tượng với khách hàng. Thực tế, người tiêu dùng chỉ cảm thấy đây là một sự thể hiện hợm hĩnh và khoe khoang mà thôi.
3. Hãy giao tiếp với khách hàng bằng chính ngôn ngữ của họ, đó là con đường duy nhất đưa bạn đến thành công.
David Ogilvy là người luôn nổi tiếng với câu nói “Đối với tôi, chẳng có luật lệ gì hết”, ông thậm chí còn tuyên bố rằng mình không hề quan tâm đến ngữ pháp trong bất kỳ thứ tiếng nào và đương nhiên, khách hàng cũng vậy.
Người đàn ông này cho rằng cứ để mọi thứ diễn ra đúng tự nhiên mới là cách hay nhất để thúc đẩy sự phát triển. Với câu nói trên, thiên tài quảng cáo trong lịch sử muốn nhấn mạnh khả năng thấu hiểu khách hàng của tất cả những người theo đuổi lĩnh vực marketing.
Chỉ khi nắm được người tiêu dùng muốn gì, sở thích, thói quen hay hành vi của họ, các thương hiệu mới có thể xây dựng nên một hình ảnh và chiến lược phù hợp nhất. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi mà trải nghiệm của khách hàng được đặt lên hàng đầu và các nhãn hàng không còn có thể áp đặt xu hướng như trước nữa.
Hãy sử dụng ngôn ngữ của khách hàng
4. Hãy coi khách hàng như cô vợ đỏng đảnh của bạn
Một cô vợ khó chiều, thay đổi thất thường nhưng lại vô cùng quan trọng mà bạn không bao giờ muốn mất đi. Khách hàng cũng vậy, họ rất dễ bị dao động nhưng lại sẵn sàng trung thành với một thương hiệu luôn chiều chuộng họ.
Đây chính là trách nhiệm của những người trong ngành quảng cáo tiếp thị, là công việc của họ khi phải đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt nhất. Hãy đối xử với khách hàng như vợ của bạn và sẵn sàng lắng nghe những tâm sự hay mè nheo của cô ấy.
5. Cái gì không bán được nghĩa là chưa đủ sáng tạo
Câu nói này luôn đúng trong mọi trường hợp, bất cứ một sản phẩm hay một thương hiệu nào giờ đây cũng đều cần có một câu chuyện được sáng tạo đi kèm, nhằm đảm bảo một chiến lược nội dung phù hợp và khiến người đọc lắng nghe.
Nếu thông điệp chưa đủ hấp dẫn và thuyết phục, đương nhiên sản phẩm sẽ không được tiêu thụ. Điều này phụ thuộc vào khả năng tưởng tượng và liên kết được nội dung và hàng hóa cụ thể của những marketer.
Chỉ khi nắm được người tiêu dùng muốn gì, sở thích, thói quen hay hành vi của họ, các thương hiệu mới có thể xây dựng nên một hình ảnh và chiến lược phù hợp nhất.
6. Thương hiệu, giống như tính cách và bản sắc của mỗi người, sẽ được cảm nhận theo nhiều cách khác nhau
Các chuyên gia marketing chỉ cần định hướng thương hiệu sao cho đúng đắn hay phù hợp mà không nên quá áp đặt suy nghĩ của khách hàng. Hãy để người tiêu dùng tự cảm nhận trước, sau đó mới tiếp nhận những ý kiến phản hồi của họ để cải thiện thương hiệu một cách tốt hơn.
7. Phần lớn những quảng cáo lộn xộn đều do những gã phê bình mà ra. Đó là những kẻ chỉ biết chỉ trích mà không thể tạo ra một quảng cáo cho tử tế. Mà tốt nhất, đừng để cho họ có quyền làm việc đó.
Ý kiến tưởng chừng như rất nặng nề này thực chất thể hiện suy nghĩ không muốn những nhà marketing bị xao động bởi những đánh giá tiêu cực. Xét cho cùng, ghi nhận phản hồi là một điều tốt nhưng đừng để chúng quá ảnh hưởng đến công việc của mình, đặc biệt là công việc mang tính sáng tạo cao.
Thực tế trong marketing, những ý tưởng tường chừng như điên rồ và bị chỉ trích nhiều nhất lại mang đến những thành công ngoài sức tưởng tượng.
Theo Trí Thức Trẻ

Trước đây, khi nói đến những người có ảnh hưởng (Influencers), chúng ta thường nghĩ ngay tới các ngôi sao nghệ thuật, các chuyên gia, người nổi tiếng nói chung. Nhưng giờ đây, khi nói đến Influencers, những đối tượng có trong danh sách trên còn phải đi kèm với một yếu tố không thể thiếu là họ có tiếng nói có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Một cụm từ xuất hiện bên cạnh Infuencers gần đây là KOLs (Key Opinion Leaders – những người có tiếng nói). Sự phát triển nhanh tới mức khó lường của mạng xã hội, sự tăng trưởng về lượng người dùng và sự thay đổi thói quen trong giao tiếp xã hội đã khiến khái niệm Influencers được mở rộng. Nó không chỉ dừng ở phạm vi người nổi tiếng, mà nó có thể là bất kỳ ai mà tiếng nói của họ có sức ảnh hưởng và được cộng đồng ghi nhận. Đó có thể là một Blogger, Vlogger, một người dùng bất kỳ mà nội dung họ chia sẻ có sức lan toả, hoặc một người nổi tiếng có tài khoản mạng xã hội hoạt động tích cực và có tầm ảnh hưởng.
Theo con số thống kê mới đây của Neilsen, 92% người tiêu dùng tin tưởng vào sự giới thiệu của người khác – cho dù họ không hề quen biết những người này – hơn là tin vào các quảng cáo trực tiếp từ doanh nghiệp. Là một người làm marketing, chắc chắn bạn biết rằng từ lâu người tiêu dùng đã ít tin vào quảng cáo, họ tin tưởng những đánh giá, nhận xét từ bạn bè, người thân, những người có ảnh hưởng và mạng lưới của họ hơn là quảng cáo.
Mạng xã hội đã làm nên sự thay đổi thật sự trong việc chia sẻ và tiếp nhận thông tin của người dùng. Với một chia sẻ ngắn gọn trên mạng xã hội, họ có thể nhanh chóng đẩy đi hay nhận về thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm của bất kỳ thương hiệu nào, họ không còn dựa vào những gì doanh nghiệp nói mà họ tìm kiếm sự chia sẻ từ những người khác, với sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội 24/7, ở bất kỳ đâu.
Screen Shot 2015-10-13 at 16.04.35
Thống kê của Socialbakers.com
Các marketers đã nhận ra cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu và khách hàng trung thành chính là thông qua “social influencer marketing”. Một thế hệ mới nổi trên mạng xã hội, được gọi là “Authentic Social Influencers”, là những đối tượng “nóng” được các nhãn hàng săn đuổi nhiều nhất hiện nay. Những đối tượng này có số lượng người theo dõi trung thành, và họ cũng rất biết cách, rất chuyên nghiệp trong việc quyết định viết/nói cái gì mà cộng đồng yêu thích, làm thế nào để giữ được fan trung thành, biết cách tạo ra xu hướng.
Trên thế giới, trong một khảo sát được Adweek đăng tải, các marketer đang đánh giá Influencer Marketing là xu hướng tăng trưởng nhanh nhất trong số các xu hướng mà những người làm digital marketing theo đuổi, nó vượt qua các chiến thuật sử dụng Organic Search, Paid Search, Display Adversting, Affiliate Marketing hay Email Marketing. Theo một thống kê khác thì giới trẻ hiện nay đang tin tưởng vào các “ngôi sao mạng xã hội” hơn là các “ngôi sao truyền hình”, tương ứng với tỷ lệ người trẻ dành thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều hơn là thời gian xem tivi.
Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp khi sử dụng Social Influencer Marketing là làm thế nào chọn đúng mặt để gửi vàng, cần phải xác định được “Authentic Social Influencer” (ASI) của mình là ai và đặt mục tiêu rõ ràng. ASI dù là ai, họ cũng nên có một hoặc vài tính chất sau: là một khách hàng trung thành, một người ủng hộ thương hiệu, một người có nhiều fan trung thành, một Blogger/Vlogger.
Một điều rất quan trọng khác là doanh nghiệp phải xác định được phong cách của mình để lựa chọn đúng Influencer. Bạn muốn Influencer của bạn như thế nào? Hình dáng, tính cách, số lượng fan hâm mộ, giọng điệu…? Marketer phải luôn nhớ rằng thành bại của chiến dịch marketing sử dụng influencer phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn chọn ai.
Song song, bạn cần phải xác định mục tiêu rõ ràng. Bạn muốn sử dụng Influencer để làm Brand Awareness hay muốn tăng sự tương tác, gắn kết của thương hiệu với người dùng? Bạn muốn Influencer biến người dùng thành khách hàng tiềm năng? Hay Influencer hỗ trợ bạn bán hàng? Hay họ giúp bạn củng cố lòng trung thành của người dùng đối với thương hiệu? Hay họ giúp bạn mở rộng tới một đối tượng khách hàng hoàn toàn mới?
Dù mục tiêu nào thì bạn cũng phải gọi tên nó ra rõ ràng thì mới có thể có được chiến lược và chiến thuật phù hợp.
Theo Blog Timeuniversal

Hắn đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khóa học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.

Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! - Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! - Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. - Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoán chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- …....?
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng . Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? - Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! - Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựngmáy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: "Hồng ơi, anh yêu em", gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp mới thành lập, nguồn vốn hạn chế là một trong những bất lợi lớn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này thường không muốn chi nhiều tiền cho ngân sách Marketing. Thay vào đó họ sẽ dành tiền cho các hoạt động mà họ nghĩ là quan trọng hơn. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cần phải nhận thức được rằng, hoạt động Marketing có vai trò sống còn đối với thành công và hoạt động lâu dài của doanh nghiệp, bởi đây chính là quá trình tạo ra khách hàng mới, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng.
Digital Marketing – kênh truyền thông được xem là phù hợp với mọi nguồn ngân sách đang trở  thành một xu hướng tiếp thị đáng quan tâm của các chủ doanh nghiệp. Digital Marketing có khả năng hỗ trợ cho công việc kinh doanh, đồng thời tiết kiệm cho doanh nghiệp một khoản ngân sách đáng kể. Có nhiều công ty/tổ chức sau khi áp dụng kế hoạch Marketing theo định hướng Digital đã mở rộng việc kinh doanh với doanh thu tăng gấp 2.8 – 3.3 lần so với bình thường.
Nếu bạn muốn đạt được kết quả tương tự thì điều mà bạn cần bắt tay vào làm ngay là thực hiện một chiến lược Digital Marketing. Cũng giống như bất kỳ một hoạt động nào khác, bạn cần phải nắm vững những yếu tố cần thiết để tạo nên một chiến dịch hiệu quả. Bài viết sau sẽ trình bày về 4 hoạt động quan trọng nhất – được xem là “tứ trụ” – của một chiến dịch Digital Marketing. Cụ thể, các hoạt động đó bao gồm:
  • Nghiên cứu Thị Trường;
  • Xây dựng chiến lược Marketing;
  • Thực hiện;
  • Phân tích và tối ưu hóa hoạt động Marketing.
1. Nghiên cứu thị trường
Ngày nay, người tiêu dùng có thể mua hàng bằng vô số hình thức mà họ muốn. Hơn 80% đồng ý rằng hầu hết các kênh Digital mà họ đang sử dụng đều có thể phục vụ cho việc mua hàng. Ưu điểm của Digital Marketing là có thể gom những người trong cùng một phân khúc lại với nhau. Để xác định cụ thể phân khúc của bạn trên kênh online, hoạt động Nghiên cứu thị trường (NCTT) là vô cùng quan trọng.
shutterstock_120481156
Nghiên cứu thị trường là nền tảng đầu tiên để xây dựng một chiến dịch Digital Marketing thành công
1.1 Tại sao NCTT lại quan trọng?
  • NCTT giúp bạn thấu hiểu khách hàng tốt hơn.
  • NCTT giúp bạn xác định cụ thể đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp.
  • NCTT giúp bạn thiết kế một chiến lược Marketing phù hợp.
  • NCTT giúp bạn lập một kế hoạch Marketing ít rủi ro hơn.
  • NCTT giúp bạn tối ưu hóa các công cụ Digital Marketing dựa trên nguồn ngân sách mà bạn có.
1.2 Làm thế nào để thực hiện NCTT?
  • Xác định rõ sản phẩm/dịch vụ cốt lõi mà doanh nghiệp muốn cung cấp cho thị trường.
  • Xác định rõ USP của sản phẩm/dịch vụ.
  • Xác định rõ đối tượng mục tiêu của sản phẩm/dịch vụ đang hướng tới (nhân khẩu học, giới tính, độ tuổi, sở thích, …)
  • Xác định rõ mục tiêu của chiến dịch Digital Marketing (có thể là: dẫn đầu thị trường, tăng lượng Follower trên các kênh Social Media, đẩy mạnh độ nhận diện thương hiệu, thúc đẩy doanh số, …)
  • Xác định rõ đối tượng mục tiêu và kiểm tra lại các hoạt động họ vừa thực hiện trên các kênh Social Media hoặc các kênh Digital khác.
2. Xây dựng chiến lược Marketing
Đẩy mạnh truyền thông bằng cách tích hợp các công cụ Digital Marketing là một phương pháp được nhiều marketer áp dụng. Theo đó, các nhãn hàng thường có xu hướng tiến hành trên nhiều phương tiện khác nhau như Display Ads, Mobile, Social hoặc Viral Video. Tuy nhiên, để chiến dịch được triển khai một cách hiệu quả nhất, trước tiên, bạn cần xây dựng một chiến lược Marketing chặt chẽ.
chalkboard
Có một chiến lược Marketing hoàn hảo sẽ giúp doanh nghiệp tối đa hóa sức mạnh của các công cụ thực thi Marketing.
2.1 Tại sao chiến lược Marketing quan trọng?
  • Chiến lược Marketing cho bạn thấy được một lộ trình tổng quát nhất về Marketing.
  • Chiến lược Marketing giúp bạn tiếp cận mục tiêu kinh doanh một cách rõ ràng hơn.
  • Chiến lược Marketing giúp bạn tiếp cận đối tượng mục tiêu hiệu quả hơn.
  • Chiến lược Marketing cũng giúp bạn sử dụng nguồn ngân sách của mình một cách “khôn ngoan” nhất có thể.
  • Có một chiến lược Marketing tốt sẽ giúp bạn thúc đẩy hoạt động Marketing và tạo ra lợi nhuận cho công ty.
2.2 Làm thế nào để xây dựng một chiến lược Marketing?
  • Thiết lập mục tiêu (ngắn hạn và dài hạn)
  • Lựa chọn cách tiếp cận: Marketing trực tiếp hay Marketing gián tiếp
  • Lựa chọn kênh Digital Marketing và chiến thuật
  • Thiết kế các chương trình chiêu thị hấp dẫn
  • Vạch ra cách thực hiện từng bước để triển khai trên từng kênh
2.3 Các chiến lược và kênh Digital Marketing nào được sử dụng nhiều nhất?
2.3.1 SEO (Search Engine Optimization)
SEO là quá trình làm cho webstie của bạn có thứ hạng cao trong trật tự xếp hạng của các cỗ máy tìm kiếm. Phương thức này thật sự quan trọng trong chiến dịch Digital Marketing của bạn bởi đã có hơn 93% các doanh nghiệp đã và đang sử dụng Search Engine Optimization – Tối ưu hoá đối với các cỗ máy tìm kiếm. Quan trọng hơn, hơn 59% khách hàng đang sử dụng Search Engine để tự đáp ứng nhu cầu mua hàng mỗi tháng.
Kênh này nên được đầu tư nhiều đối với những doanh nghiệp có mục tiêu dài hạn là được xuất hiện trong trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm trên Google.
2.3.2 Social Media Marketing (tự nhiên hoặc trả tiền)
Social Media Marketing là quá trình sử dụng các mạng xã hội nhằm tăng độ phủ của thương hiệu, điều hướng nội dung và tối đa hóa việc kết nối các đối tượng mục tiêu của thương hiệu. Số lượng người sử dụng Social Media đã tăng thêm 25% vào năm 2015, đó là lý do vì sao tại một số doanh nghiệp, ngân sách dành cho Digital Marketing đã được đầu tư tăng lên gấp rưỡi.
Kênh này dành cho những doanh nghiệp muốn tăng mức độ nhận diện thương hiệu, tiếp cận được với nhiều người, điều hướng thị trường, chuẩn bị tổ chức các cuộc thi hoặc chương trình chiêu thị.
2.3.3 Pay Per Click Marketing (PPC)
Pay Per Click Marketing là quá trình sử dụng các mẫu quảng cáo trả tiền như Google Adwords nhằm tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng đang có nhu cầu sử dụng hoặc tìm kiếm thêm thông tin về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Ưu điểm của PPC là có thể thu được một lượng traffic cao trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Phương pháp này được dành cho những doanh nghiệp muốn tăng lượng traffic một cách nhanh chóng, dẫn đầu thị trường, thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.
2.3.4 Facebook Marketing
Facebook Marketing là quá trình sử dụng và tối đa hóa các nền tảng quảng cáo trên Facebook để thúc đẩy mức độ nhận diện thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng online. Bạn hầu như có thể tiếp cận với hầu hết các phân khúc khách hàng nói chung bằng  cách nghiên cứu xem những Group và Page nào mà đối tượng mục tiêu của bạn thường xuyên lui tới.
Công cụ này sẽ phù hợp cho những doanh nghiệp muốn sử dụng Facebook để tiếp cận thị trường. Khả năng gia tăng lượt traffic bằng công cụ này là rất tiềm năng.
3. Thực hiện
Quảng cáo truyền thống đang mất dần chỗ đứng. Bằng chứng là ngân sách dành cho hình thức quảng cáo này đang được rót dần sang các quảng cáo online thay vì quảng cáo trên truyền hình như trước đây. Dự báo xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục ở nhiều doanh nghiệp. Theo thống kê, có 72% người dùng muốn tiếp cận với thương hiệu thông qua các kênh truyền thông Digital mang tính tích hợp, vì vậy, đây chính là lúc để bạn triển khai hoạt động thứ 3 của quá trình thực hiện một chiến dịch Digital Marketing – Quá trình thực hiện.
bigstock_Dancers_Small_2154518
Sử dụng linh hoạt các công cụ Marketing và bám sát chiến lược Marketing đã đề ra để tối ưu hóa hoạt động truyền thông
3.1 Ba điều lưu ý khi thực hiện chiến dịch Marketing
  • Xác định rõ cách làm (từng bước) và những nguyên tắc khi thực hiện Marketing
  • Bám sát kế hoạch và chiến lược đã đề ra
  • Triển khai các hoạt động một cách nhất quán
3.2 Nghiên cứu từ khóa
Nghiên cứu từ khóa là một quá trình khám phá và tạo ra những từ khóa phù hợp, mang tính ứng dụng cao. Với Semantic Search, nó sẽ giúp bạn chuyển đổi những từ khóa phổ thông thành những từ khóa có đuôi dài hơn và phù hợp ngữ nghĩa.
Vậy, làm thế nào để nghiên cứu từ khóa?
3.2.1 Top các công cụ nghiên cứu từ khóa thường được sử dụng
  • Google Adwords Keyword Planner
  • Ubersuggest
  • Bing Keywords Research Tool
3.2.2 Công thức để xác định một từ khóa phù hợp
  • Xuất phát từ từ khóa gốc (ngắn)
Ví dụ: Từ khóa gốc của công ty bạn là: “Digital Marketing”
Ta lấy từ khóa gốc + “công ty” => “Công ty Digital Marketing”
Hoặc từ khóa gốc + “dịch vụ” => “Dịch vụ Digital Marketing”
  • Công thức cho những từ khóa có đuôi vừa hoặc dài
Từ khóa gốc có lượng truy xuất cao, thường bao gồm 1 – 2 từ (Ví dụ: Du học, Digital Marketing, …)
Từ khóa có đuôi vừa có lượng truy xuất trung bình, thường bao gồm 2 – 3 từ (Ví dụ: Du học Đức, Digital Marketing Agency, …)
Từ khóa có đuôi dài có lượng truy xuất thấp, thường bao gồm 3 – 5 từ (Ví dụ: thủ tục du học Mỹ, Digital Marketing Agency tuyển dụng, …)
3.3 Xây dựng content đột phá
Content có tính đột phá là điều rất quan trọng và được xem là cốt lõi trong mỗi chiến dịch Digital Marketing. Đó chính là lý do vì sao 73% những người làm Marketing cho các công ty B2B đều có những chiến lược phát triển nội dung riêng cho mình. Content là công cụ hỗ trợ đắc lực cho thành công của một chiến dịch Digital Marketing, vì vậy, bạn nên đầu tư một nguồn lực đáng kể vào việc xây dựng những nội dung hấp dẫn.
Ý tưởng cho content:
  • Content phải hữu dụng và có liên quan đến đối tượng mục tiêu
  • Những ý tưởng và những thủ thuật cần phải được sử dụng đúng bối cảnh
  • Chỉ sử dụng những thông tin đáng tin cậy
  • Content cần được diễn đạt một cách dễ hiểu
  • Content cần được thiết kế, trình bày phù hợp với đối tượng mục tiêu
Các loại content thường gặp:
  • Infographic
  • Bài đăng trên Blog dưới dạng hướng dẫn thực hiện một việc gì đó
  • Whitepaper hoặc pdf
  • Video hoặc Animation
  • Meme hoặc hình ảnh hài hước
  • Podcast
3.4 Phát triển các liên kết
Phát triển các liên kết vẫn đang là một xu hướng SEO trong năm 2015, mặc dù Search Engine đã có sự thay đổi trong việc diễn dịch các backlink. Có bao nhiêu backlink đi chăng nữa không còn quan trọng, mà quan trọng là backlink đó được đến từ những nguồn nào.
Làm thế nào để tạo backlink:
  • Backlink phải được đính kèm trong nội dung và có liên quan đến nội dung.
  • Backlink không nên được tạo ra do SPAM hay được tạo ra từ những nguồn không chất lượng.
  • Backlink phải được tạo ra từ những website có liên quan đến lĩnh vực của công ty đang hoạt động.
Những cách tạo backllink thường gặp:
  • Content tương thích với nội dung của site (slideshare, infographics, memes, …)
  • Bài đăng của chuyên gia
  • Đăng bài trên các trang web 2.0
  • Sử dụng các trang quảng cáo rao vặt
  • Liên kết outreach
3.5 Social Media Marketing
92% người làm Digital Marketing tin rằng khoảng cách giữa khách hàng và doanh nghiệp sẽ được thu hẹp nếu thông tin được tiếp xúc thông qua các phương tiện Social Media. Cứ mỗi 6 phút online thì lại có 1 phút người dùng sử dụng mạng xã hội, vì vậy, chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ thấy khả năng tiếp cận khách hàng qua kênh Social Media lớn đến mức nào.
Một chiến dịch Social Media Marketing thành công cần đảm bảo các yếu tố:
  • Tối ưu hóa (Optimization):
  • Tối ưu hóa profile của doanh nghiệp thông qua càng nhiều kênh Social Media càng tốt.
  • Thiết lập cover photo đẹp mắt, lôi cuốn.
  • Nuôi dưỡng (Cultivation):
  • Chia sẻ các bài viết và các hình ảnh có nội dung hấp dẫn, mang tính thách thức về mặt tư duy.
  • Nhất quán về mặt nội dung là cách tốt nhất để giữ fan trên các kênh Social.
  • Tham gia, chia sẻ những bài viết hay từ các Page có nội dung tương tự.
  • Trả lời các comment trong vòng 24 tiếng đối với Facebook và 2 tiếng đối với Twitter.
  • Paid Social Media Marketing:
  • Paid Marketing là cách nhanh và hiệu quả nhất để tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng.
  • Sử dụng Paid Marketing đối với kênh Facebook là cách hiệu quả để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
3.6 PPC Marketing
Theo một cuộc khảo sát trên diện rộng đối với những người làm SEO, có 88% số người được hỏi trả lời rằng Pay-Per-Click (PPC) Marketing là một trong những công cụ Digital Marketing hiệu quả nhất hiện nay. 64,6% lượt click được tạo ra từ PPC, và theo các chuyên gia nhận định, mức độ hiệu quả của công cụ này còn hơn hẳn cả SEO.
Làm thế nào để làm PPC Marketing?
Từ khóa:
  • Từ khóa cần phải liên quan trực tiếp đến sản phẩm/dịch vụ cụ thể nào đó.
  • Từ khóa sử dụng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
  • Đối với mỗi sản phẩm/dịch vụ khác nhau, nên sử dụng những từ khóa riêng biệt, tránh trùng lặp.
Thông điệp quảng cáo:
  • Bao hàm thành phần và chức năng của sản phẩm/dịch vụ
  • Từ khóa phải được đặt đúng vị trí
  • Có “Call to Action”
Xây dựng Landing Page:
  • Headline thu hút
  • Đi thẳng vào vấn đề
  • Có “Call to Action”
USP:
  • Quyền lợi hấp dẫn dành cho khách hàng
  • Chương trình khuyến mãi chưa từng có
  • Sản phẩm/dịch vụ độc quyền
3.7 Facebook Marketing
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của mạng xã hội đã tạo ra một bước ngoặc mới cho hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Sở hữu hơn 1.28 tỷ người dùng mỗi tháng, trong đó có hơn 1.01 tỷ người online bằng điện thoại di động – Facebook được xem là một miền đất hứa đối với lĩnh vực Digital Marketing. Đó chính là lý do vì sao 30 triệu doanh nghiệp đã và đang xây dựng Fanpage để bổ trợ cho hoạt động Marketing.
Làm thế nào thực hiện Facebook Marketing?
Xác định mục tiêu:
  • Chọn 1 – 2 mục tiêu cho kênh Facebook dựa trên mục tiêu Marketing đã đề ra.
  • Mục tiêu lựa chọn cho kênh Facebook phải được cân nhắc và khảo sát kỹ lưỡng.
Xác định thông điệp truyền thông:
  • Thông điệp truyền thông phải thể hiện được chức năng hoặc thành phần của sản phẩm/dịch vụ.
  • Phải có “Call to Action”
Xây dựng Lading Page:
  • Headline thu hút
  • Đi thẳng vào vấn đề
  • Có “Call to Action”
USP:
  • Quyền lợi hấp dẫn dành cho khách hàng
  • Chương trình khuyến mãi chưa từng có
Đối tượng mục tiêu:
  • Nơi sinh sống, làm việc
  • Độ tuổi
  • Vấn đề quan tâm
Loại hình mục tiêu muốn đạt được khi chạy quảng cáo trên Facebook:
  • Số lượng Click đến webstite
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi trên website (Website Conversion)
  • Tăng lượt tương tác (engagement) với bài đăng
  • Tăng “Like” page
  • Tăng lượt cài đặt ứng dụng (app)
  • Tăng lượt tương tác (engagement) với ứng dụng (app)
  • Tăng số lượng người tham dự sự kiện
  • Thu hút mọi người nhận ưu đãi (Offer Claim)
  • Thu hút lượt xem video
Nghiên cứu kỹ phân khúc đối tượng mục tiêu:
  • Họ nằm trong giới hạn tuổi nào
  • Giới tính của họ
  • Ngôn ngữ họ sử dụng
  • Vấn đề họ quan tâm
  • Hành vi của họ trên Facebook
“Facebook Insight” là một công cụ chuyên cung cấp những thông tin về người dùng trên Social Media. Công cụ này giúp xác định được “like” của bạn đến từ đâu hay thậm chí, nó có thể nhận biết được “fan” của bạn đa số nằm trong độ tuổi nào. Điều này sẽ giúp cho bạn phát triển chiến dịch Facebook Marketing hiệu quả hơn.
4. Phân tích và tối ưu hoá các hoạt động Marketing
Trong khi có nhiều chiến dịch Digital Marketing đạt được những thành công nhất định thì cũng có những thất bại không được nhắc tới. Đôi khi, nguyên nhân của việc thất bại không phải đến từ bản thân chiến dịch thiếu tính sáng tạo hay do đội ngũ thiếu khả năng, mà là do quá trình phân tích và tối ưu hóa hoạt động chiến dịch.
mreporting-hero1
Đừng bao giờ quên việc phân tích và tối ưu hóa các hoạt động của chiến dịch
4.1 Tại sao phân tích và tối ưu hóa hoạt động Marketing lại quan trọng đến vậy?
54% Marketers đã không thành công trong chiến dịch của mình vì không đầu tư đúng mức vào hoạt động phân tích và tối ưu hóa cho chiến dịch. Thông qua việc phân tích, kiểm tra và tối ưu hóa, doanh nghiệp có thể nhận được những giá trị sau:
  • Xác định được việc gì nên làm và việc gì không nên làm
  • Xác định được kênh nào sẽ cho nhiều lượt tương tác và chuyển đổi nhất
  • Nghiên cứu kỹ hơn về nhân khẩu học và hành vi của người dùng
  • Xác định được từ khóa nào mang lại nhiều lượt tương tác nhất (nhằm sử dụng cho hoạt động quảng cáo trả tiền về sau)
4.2 Ba lưu ý quan trọng nhất của việc phân tích và tối ưu hóa hoạt động Marketing
  • Sử dụng phân tích Web
  • Phân tích cơ sở dữ liệu
  • Tối ưu hóa các hoạt động và bổ sung kế hoạch dựa trên những dữ liệu sẵn có
4.3 Các công cụ hỗ trợ phân tích
  • Google Analytics: Đây là một ứng dụng miễn phí được cung cấp bởi Google, nó cho phép bạn tiếp cận đến những nguồn thông tin có giá trị như lượt tương tác hay các thông tin quan trọng khác về website của bạn.
  • Clicky: Đây cũng là một trang web hỗ trợ việc giám sát, phân tích, đồng thời phản ánh lượt tương tác trên Blog và Website trong khoảng thời gian người dùng ở trên website/Blog.
  • Statcounter: Đây là một công cụ miễn phí giúp giúp phân tích lượt tương tác trên website để giám sát các hoạt động của người dùng trong khoảng thời gian người dùng hoạt động trên website.
  • HubSpot: Đây là một nền tảng tốt cho việc tiến hành phân tích. Đây được xem là một công cụ lý tưởng dành cho các doanh nghiệp nhỏ để đo lường lượt tương tác và inbound marketing.
  • Adobe Marketing Cloude: Nền tảng tích hợp này có thể cung cấp cho bạn thời gian thực tế mà người dùng lưu lại trên website và những phân tích dự đoán liên quan đến hiệu suất website.
  • GoSquared: Đây là nền tảng cho việc giám sát thời gian người dùng lưu lại trên website. Công cụ này sẽ giúp bạn theo dõi doanh thu và ROI của một trang thương mại điện tử eCommerce.
  • Moz Analytics: Moz là một nền tảng phân tích toàn diện, được tích hợp giữa: Tìm kiếm, Social, Social Listening và phân tích Inbound Marketing.
  • Webtrends: Công cụ này giúp bạn có thể đo lường hoạt động trên nhiều kênh khác nhau như điện thoại di động, website, social.
4.4 Các nhân tố đáng quan tâm trong việc phân tích website:
  • Số lượng người ghé thăm – Visitor
  • Pageview
  • Traffic Referrals
  • Traffic Sources
  • Thời gian trung bình lưu lại trên website
  • Phần trăm phiên truy cập mới
  • Nhân khẩu học
  • Số lượng người dùng Mobile và số lượng người dùng PC
Hoạt động Marketing và kinh doanh trên thế giới đang phát triển liên tục. Để đi đầu trong một cuộc chơi và cạnh tranh hiệu quả trong thị trường của bạn, điều quan trọng là phải tận dụng tối đa các nguồn lực vốn có của Digital Marketing nhằm triển khai thành công một chiến dịch Marketing tổng thể. Định hướng doanh nghiệp của bạn đi đúng đường, bám sát vào 4 hoạt động chính đã nêu trên sẽ giúp cho bạn có một chiến dịch Digital Marketing hiệu quả.
Theo Blog Timeuniversal

Marketing

[Marketing][fbig1]

Khám Phá

[kham-pha][fbig2]

Mẹo Vặt

[Meo-vat][column2]

Công Nghệ

[Tech][hot]

Người đẹp và công nghệ

[Nguoi-dep-va-cong-nghe][gallery1]

Video

[video-quang-cao][video]

Author Name

{picture#YOUR_PROFILE_PICTURE_URL} YOUR_PROFILE_DESCRIPTION {facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

SEO Document. Được tạo bởi Blogger.