Chuyện cưới xin là chuyện cả đời, là chuyện vui đáng được tất cả mọi người chúc phúc. Người có ít, người có nhiều, không phải làm mâm cỗ cưới ra để mong thu về lợi nhuận. Nhưng làm sao để bỏ phong bì cho bạn cảm thấy dễ chịu và cô dâu - chú rể cũng cảm thấy vui vẻ thì không hề dễ dàng...tuy nhiên, nếu tinh tế vẫn có thể làm được.
Theo cách nghĩ của số đông, tiền mừng cho cô dâu chú rể không căn cứ vào nơi chốn đãi tiệc, không dựa vào... thực đơn, mà chủ yếu dựa vào mối quan hệ thân - sơ để tăng - giảm số tiền. Đương nhiên, buổi tiệc cưới nào cũng đủ thành phần khách, nên mỗi người sẽ có những suy nghĩ khác nhau. Suy cho cùng, cưới xin là chuyện cả đời người, có lẽ không ai lại tính toán chuyện lỗ lời phong bao...
Những yếu tố cần cân nhắc khi bỏ phong bì đám cưới:
- Mức độ thân thiết giữa bạn và cô dâu/chú rể: Càng thân càng nên mừng nhiều, vì đó là ngày trọng đại duy nhất trong đời mỗi người. Bạn cũng không nên tiếc quá. Nếu thân thiết có thể mừng 1 triệu cho bạn mình hoặc hơn nếu điều kiện cho phép. Còn nếu mình không có điều kiện thì 500 ngàn. Quan trọng là tấm lòng của cả hai bên.
- Vị trí xã hội của cô dâu/chú rể: Đi đám cưới sếp thì phải khác so với đi đám cưới bạn xã giao. Nếu đám cưới sếp bạn có thể mua quà là vật dụng gia đình để tặng hoặc để phong bì từ 1 triệu trở lên. Còn bạn xã giao thì 300 - 500 ngàn, tùy tình huống.
- Xác định chi phí đãi tiệc (Đám cưới đãi ở nhà hàng hay ở tư gia): Bạn hãy tham khảo giá của nhà hàng đó (nếu cần) để có mức phong bao phù hợp. Ở tư gia thì thường đãi tiệc sẽ tiết kiệm chi phí hơn ở nhà hàng.
Ảnh minh họa |
- Điều kiện, hoàn cảnh của cô dâu, chú rể: Nếu họ có điều kiện, dư dả, bạn mừng tiền ít bạn cảm thấy ngại, thì có thể mua quà là vật dụng gia đình (trong trường hợp thân thiết). Còn không thì hãy tham khảo bạn bè thân để có cách mừng tiền phù hợp.
- Đám cưới ở quê hay thành phố: Mức phong bao và thu nhập của mỗi nơi cũng khác nhau. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc khi bỏ để tránh bị "trội" quá, hoặc ít thì "ngại".
- Bạn đi một mình hay đi nhiều người: Nếu đi một mình, có thể bỏ theo các mức 300 - 500 - 1 triệu đồng. Nếu đi 2 người: 500 hoặc 1 triệu. Nếu đi cả gia đình 4 người thì có thể 1 đến 2 triệu tùy vào tình huống phù hợp. Bạn hãy tự cân nhắc sao cho hợp lý.
- Nhiều người cho rằng đi đám cưới không nên đi tiền chẵn, mà đi mức lẻ (300 hay 500 ngàn): Điều này không quan trọng. Đó là sự tùy tâm của bạn, bạn hoàn toàn có thể bỏ số tiền mà mình muốn.
- Khả năng tài chính của bản thân: Tiền mừng cưới sẽ đánh mất ý nghĩa khi mọi người tính toán quá nhiều. Vì vậy, bạn đừng ép mình rơi vào tình thế khó, lo đi ít, sợ đi nhiều... hãy xem xét khả năng mình có thể mừng được bao nhiêu.
Trước khi bỏ phong bì bạn nên tham khảo trước bạn bè, người quen, đồng nghiệp để tránh lâm vào tình thế khó xử.
Dù cho bạn dùng cách nào, tính kỹ hay qua loa, tiền mừng vẫn là một yếu tố vô cùng nhạy cảm. Thực ra, đủ hay thiếu không phải là vấn đề bạn cần lo lắng. Cô dâu - chú rể có lòng thực sự khi đã quyết định mời bạn đều mong mỏi sự có mặt của bạn hơn là khoản tiền mừng. Đừng coi tiền mừng là một khoản đầu tư hay "trả nợ", hãy xem đó như một sự sẻ chia cho cuộc sống mới của cô dâu chú rể. Đó mới là ý nghĩa thực sự của tiền mừng cưới.
Hãy dẹp bỏ những sai lầm về tiền mừng cưới
- Sai lầm đầu tiên nằm ở chính cô dâu chú rể và gia đình hai bên. Nếu bạn sắp cưới và coi tiền mừng cưới là một khoản bù lại cho tiền đãi tiệc thì bạn đã mắc phải sai lầm này. Hãy nghĩ theo cách khác, xem tiền mừng cưới là khoản chuẩn bị cho tương lai, cho cuộc sống mới của hai bạn. Như vậy, khi nhìn lại chi phí thực sự mình có, bạn sẽ biết nên đãi tiệc như thế nào để vừa với sức mình.
- Sai lầm thứ hai nằm ở khách dự tiệc. Nếu bạn chuẩn bị đến dự tiệc cưới, đừng băn khoăn quá về khoản tiền mừng, hãy đưa nhiều hơn khả năng của mình nhằm chia sẻ tài chính với cô dâu chú rể. Ngoài ra, thay vì đưa tiền mừng, gửi kèm một tấm thiệp mừng hay quà cưới cũng sẽ giúp bạn đỡ áy náy hơn. Bạn nên lưu ý để tiền mừng riêng với quà và thiệp để cô dâu chú rể có thể nhận được dễ dàng, vì tiền mừng thường được kiểm đếm riêng bởi người nhà để tránh mất mát.
Vượt qua được hai sai lầm này, văn hóa mừng cưới sẽ được cải thiện hơn. Khi đó, ngày cưới chỉ còn đọng lại trong chúng ta là những niềm vui mà không phải là nỗi băn khoăn về tiền bạc.
Theo Phunutoday