Ngày này cách đây đúng 60 năm, quân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn tại Điện Biên Phủ. Trong ngày tháng lịch sử trọng đại này, hãy cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng của đất nước, để cùng tri ân các thế hệ đi trước đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay.
Địa bàn của chiến dịch lịch sử này nằm tại Điện Biên Phủ, một thung lũng rộng lớn ở vùng núi Tây Bắc nước ta, gần biên giới nước bạn Lào. Đây là vị trí chiến lược then chốt mà thực dân Pháp xác định phải nắm giữ.
Xe tăng do Mỹ viện trợ cho Pháp. So với quân ta, địch được trang bị một lượng vũ khí hùng hậu
Tướng Nava của Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực địch lúc lớn nhất lên đến 16.200 quân với 49 cứ điểm.
Lược đồ các cứ điểm của quân Pháp (vùng màu xanh).
Các tướng lĩnh của Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài bất khả xâm phạm” nên bố trí khu vực Điện Biên Phủ thành ba phân khu như sau:
- Phân khu Bắc nằm ở các cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo.
- Phân khu Trung tâm nằm ngay giữa Mường Thanh, nơi đặt trụ sở chỉ huy, có trận địa pháo, kho hậu cần và sân bay. Nơi đây tập trung 2/3 lực lượng địch.
- Phân khu Nam đặt tại Hồng Cúm, có trận địa pháo và sân bay.
Cuộc họp của Bộ chỉ huy chiến dịch, với sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Các thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực ra mặt trận.
Đến đầu tháng 3/1954, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ phát súng đầu tiên, tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Pháo binh là lực lượng không thể thiếu trong những trận đánh của chiến dịch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt:
Đợt 1, từ 13 - 17/3/1954: quân ta tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc.
Đợt 2, kéo dài từ 30/3 - 26/4/1954: quân ta đồng loạt tấn công các cứ điểm phía Đông phân khu Trung tâm như E1, D1, C1, C2, A1… Ta chiếm thêm được phần lớn cứ điểm của địch, tạo điều kiện để bao vây, chia cắt và khống chế địch.
Những chiếc xe đạp có thể chở hàng trăm cân hàng vào mặt trận.
Sau đợt này, Mỹ tăng cường viện trợ khẩn cấp cho Pháp. Để đối phó lại, quân ta đã kịp thời khắc phục những khó khăn về tiếp tế. Quyết tâm giành thắng lợi của quân và dân ta ngày càng dâng cao.
Hình ảnh bộ đội ta đưa pháo vào trận địa.
Đợt 3, diễn ra từ 1/5 - 7/5/1954: quân ta đồng loạt tiến công phân khu Trung tâm và phân khu Nam, lần lượt tiêu diệt các điểm đề kháng còn lại của địch.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries.
Chiều 7/5, quân ta đánh vào sở chỉ huy. Vào thời khắc 17h30 ngày 7/5/1954, tướng De Castries cùng toàn bộ Ban Tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.
Quân dân ta ở khắp các chiến trường từ Bắc Bộ, Trung Bộ đến Nam Bộ cũng phối hợp tấn công địch nhằm phân tán, kìm chân giặc, hỗ trợ cho Điện Biên Phủ giành thắng lợi.
Khí tài chiến tranh của giặc Pháp bị ta phá hủy.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 địch, trong đó có một thiếu tướng, hạ 62 máy bay các loại, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.
Tướng De Castries cùng toàn bộ quân Pháp bị bắt sống.
Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã hoàn toàn đập tan kế hoạch Nava, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.
Khung cảnh của buổi kí kết Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, theo đó Pháp công nhận nền độc lập của 3 nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngày 7/5/1954 mãi đi vào lịch sử và trong tâm thức của hàng triệu người Việt Nam.
Theo Trí Thức Trẻ