Facebook với thương vụ WhatsApp
Tổng chi phí: 16 tỷ USD + 3 tỷ USD
Đây chính là thương vụ đình đám nhất với mức chi phí bỏ ra lớn nhất và đặc biệt tốn nhiều giấy mực báo giới nhất trong suốt thời gian qua. Phi vụ mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD của Facebook có thể là một bước đi thông minh hoặc một sự lãng phí tiền khổng lồ. Tuy nhiên những nhà mạng lại phải đối mặt với thách thức và cơ hội do Mark Zuckerberg tạo ra về một tương lai gọi điện và nhắn tin hoàn toàn miễn phí. Vụ thâu tóm này được xem là một trong những thương vụ lớn nhất lịch sử công nghệ, chỉ sau mức giá mà HP đã mua Compaq với 25 tỷ USD.
Trong thương vụ này, Facebook đã chi ra số tiền 16 tỷ USD cộng thêm 3 tỉ USD quyền chọn mua cổ phần trong 4 năm. Facebook sẽ trả 4 tỷ USD tiền mặt + 12 tỷ USD được quy ra cổ phiếu và đồng thời, những người sáng lập và các nhân viên WhatsApp sẽ được nhận thêm 3 tỉ USD quyền chọn mua cổ phần Facebook.
WhatsApp thành lập năm 2009 bởi các cựu kỹ sư của Yahoo là Jan Koum và Brian Acton. WhatsApp là một trong những ứng dụng nhắn tin di động phổ biến nhất hiện nay với trên 450 triệu người dùng mỗi ngày.
Microsoft thâu tóm bộ phận di động của Nokia
Tổng chi phí: 7,2 tỷ USD
Tháng 9/2013, Microsoft gây bất ngờ cho người dùng trên toàn cầu khi tuyên bố mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của “ông lớn di động” một thời Nokia với mức giá 7,2 tỷ USD. Tổng chi phí trong thương vụ này bao gồm 5 tỷ USD cho bộ phận di động và 2,2 tỷ USD cho lượng sáng chế khổng lồ liên quan mà Nokia đang nắm giữ.
Ngay sau tuyên bố trên, đã xuất hiện nhiều thông tin, ý kiến trái chiều của giới chuyên gia lẫn người dùng xoay quanh việc thâu tóm trên. Đáng chú ý là nhiều người tỏ ra nghi ngờ và cho rằng CEO Stephen Elop là “gián điệp” của Microsoft, đột nhập để làm suy yếu và cuối cùng là thôn tính gã khổng lồ di động một thời với một mức giá "hời". Tuy nhiên, hoài nghi trên không phải là không có cơ sở nhưng quyết định bán đi Nokia đều được ban lãnh đạo của thương hiệu này cân nhắc và quyết định. Ông Risto Siilasmaa - Chủ tịch hội đồng quản trị của Nokia đã thừa nhận rằng, một mình Nokia không đủ nguồn lực tài chính để thúc đẩy smartphone Lumia của hãng, việc thoái lui khỏi mảng điện thoại di động và chọn Microsoft là lựa chọn tốt nhất và có thể đem lại nhiều lợi ích nhất cho cổ đông.
Ngày 25/4 vừa qua, thương vụ này đã được Microsoft chính thức công bố đã hoàn tất việc mua lại bộ phận thiết bị và Dịch vụ của Nokia. Tổng giám đốc điều hành Microsoft - Ông Satya Nadella sẽ là người chỉ đạo trực tiếp bộ phận di động của Nokia. Đối với Cựu chủ tịch và Giámd đốc điều hành Nokia - Stephen Elop sẽ giữ chức Phó chủ tịch điều hành của Nhóm thiết bị Microsoft.
Google thâu tóm Nest Labs
Tổng chi phí: 3,2 tỷ USD
Đầu tháng 1 năm nay, Google cũng đã gây bất ngờ khi tuyên bố sở hữu Nest Labs - hãng chuyên cung cấp thiết bị chỉnh nhiệt và báo cháy kết nối với Internet – cao hơn giá trị thực tế với 3,2 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, việc mua lại Nest được kì vọng sẽ giúp Google tạo nên các thiết bị gia dụng thông minh có khả năng kết nối Internet và điều khiển nó. Đây chính là tiền đề cho các ngôi nhà thông minh trong tương lai. Việc thâu tóm này được xem là nằm trong tầm nhìn chiến lược của CEO Lary Page, cho thấy khả năng “lấn sân” của gã khổng lồ tìm kiếm này trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đơn giản hóa các công cụ gia dụng thông minh cho người tiêu dùng.
Trước khi về tay Google, Nest thuộc sở hữu của Fadell và Rogers – 2 cựu nhân viên của Apple.
Lenovo mua Motorola từ Google
Tổng chi phí: 2,91 tỷ USD
Cuối tháng 1 vừa qua, Google cũng đã “gây sốc” khi tuyên bố bán lại Motorola - bộ phận di động được hãng mua về từ năm 2012 có giá lên tới 12,5 tỷ USD - với giá “bèo” 2,91 tỷ USD cho hãng điện tử Lenovo, chấp nhận lỗ gần 9,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, Google cũng sẽ giữ lại phần lớn lượng sáng chế đã mua từ Motorola (lên tới 10.000 sáng chế) trong năm 2012. Google sẽ dùng nó để cấp phép cho các hãng khác.
Theo nhiều phân tích, việc bán Motorola là bước đi “chuẩn xác” của Google. Sau khi mua lại từ 2012, doanh thu của Motorola liên tục sụt giảm một cách trầm trọng không thể cứu vãn. Moto X – smartphone đáng chú ý nhất của sự sáp nhập trên đã không thể làm gì hơn khi có doanh số èo uột và liên tục phải giảm giá. Và trực quan nhất chính là việc giá cổ phiếu Google đã tăng hơn 2% chỉ vài giờ sau thương vụ này.
Về phía Lenovo, CEO Yang Yuanqing của Lenovo cho hay sau khi hoàn tất thương vụ Motorola từ Google, hãng sẽ thực hiện những chiến lược quan trọng như giảm giá thành vật liệu sản xuất, giảm mức chi tiêu trên quy mô toàn cầu, đồng thời sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm mang thương hiệu Motorola, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Vị CEO của Lenovo cũng tỏ ra lạc quan khi cho rằng sản phẩm mang thương hiệu Motorola sẽ được khách hàng nhanh chóng nhận diện và đón nhận.
Facebook thôn tính Oculus VR
Tổng chi phí: 2 tỷ USD
Chỉ hơn 1 tháng sau khi thâu tóm WhatsApp, Facebook lại tiếp tục gây sự chú ý với việc mua lại Oculus VR, hãng sản xuất kính chơi game thực tế ảo Oculus Rift với giá lên tới 2 tỷ USD.
Theo như chính CEO Mark Zukerberg, Oculus VR sẽ là tiền đề để đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa “kế hoạch lớn” của hãng mà game nhập vai là bước đi đầu tiên, giúp game thủ “trải nghiệm những điều không thể”. Với thương vụ này, có thể đoán ra phần nào việc Facebook đang muốn “bành trướng” tầm ảnh hưởng đến những lĩnh vực như: game tương tác, giải trí, y tế, giáo dục… bên cạnh mạng xã hội và Internet.
Oculus VR ra đời từ tháng 6/2012 dưới dạng một dự án gây quỹ từ cộng đồng, trong vòng 2 năm qua, nhóm phát triển Oculus đã thu hút rất nhiều tài năng trong lĩnh vực phát triển game và thực tế ảo. Tính đến nay đã có hơn 75.000 nhà phát triển ứng dụng đặt mua kính thực tế ảo của Oculus VR cũng như bộ công cụ phát triển cho sản phẩm này. Dự kiến sản phẩm thương mại đầu tiên của Oculus VR sẽ được ra mắt vào đầu năm sau.
Rakuten mua OTT Viber
Tổng chi phí: 900 triệu US
Giữa tháng 2, Rakuten cũng đã gây sự chú ý khi mua lại ứng dụng nhắn tin di động (OTT) Viber với mức giá lên tới 900 triệu USD, mức giá khá cao so với dự đoán trước đó.
Theo giới phân tích nhận định, việc mua lại Viber sẽ giúp Rakuten có thêm một kênh đầu tư mới, tận dụng lượng người dùng toàn cầu của Viber cho việc khai thác các mục tiêu chính mà hãng đang theo đuổi. Hiện tại, ứng dụng OTT này đang có hơn 300 triệu người dùng tại 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Rakuten thường được xem là Amazon của châu Á, kinh doanh rất nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại điện tử, tài chính, du lịch, thể thao…
Hiện hãng này có trụ sở chính và kinh doanh chủ yếu tại Nhật Bản.
Nguồn: Dân Trí
Bài viết cùng chuyên mục Công Nghệ