May mắn cho bóng đá là thường có sự bất ngờ khi các đội bóng dưới cơ, vào một ngày đẹp trời nào đó, có thể chơi như lên đồng và chiến thắng đối thủ mạnh hơn. Các cuộc thi trên fanpage thì ít có may mắn như vậy khi phải đương đầu với những “thợ săn thưởng” càng lúc càng chuyên nghiệp và có tính cộng đồng hơn. Vấn đề với nhiều doanh nghiệp là đa số những thợ săn này không phải là khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới do họ tìm và săn các giải thưởng của bất kỳ thương hiệu nào. Sự trung thành của họ với thương hiệu có cuộc thi là rất thấp.
Khái niệm “thợ săn thưởng trên mạng” (online promotion hunter) dễ làm liên tưởng ít nhiều đến “thợ săn tiền thưởng” (bounty hunter), là những người đi săn lùng tội phạm truy nã để lấy tiền thưởng từ chính quyền địa phương ở nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Ngày nay, cùng với sự gia tăng số lượng fanpage, số lượng thợ săn thưởng trên mạng cũng tăng đáng kể, thậm chí, một số coi đây là nghề. Các thợ săn còn liên kết với nhau lập nên các hội kín và hội mở trên Facebook, hoạt động theo nguyên tắc có qua có lại.
Chân dung thợ săn thưởng
Khác với một “bounty hunter” xinh đẹp, dữ dội và có phần bí ẩn như nhân vật Domino của cô đào Keira Knightley trong bộ phim cùng tên của Hollywood, thợ săn thưởng trên fanpage có lý lịch khá rõ ràng trên Facebook.
M. là một bà mẹ trẻ ở nhà chăm con nhỏ. Sẵn có máy tính nối mạng Internet, chị vào các trang mạng chia sẻ kinh nghiệm chăm con và tình cờ thấy các bà mẹ khoe chiến lợi phẩm từ cuộc thi ảnh cho trẻ em.
Rồi chị lên Facebook kết bạn, học hỏi kinh nghiệm và tham gia các hội săn thưởng. Chị trau chuốt cho con và đưa con đến tiệm chụp ảnh chuyên nghiệp để thi ảnh trên fanpage của một công ty thời trang trẻ em. Chị cũng mở tài khoản trên các diễn đàn (forum) và tham gia bình luận. Sau khi tạo được chút tên tuổi, chị kêu gọi các thành viên forum vào “like” ảnh con mình trên fanpage. Chị cũng làm tương tự với họ để trả ơn trong các cuộc thi khác.
Ngày nay, cùng với sự gia tăng số lượng fanpage, số lượng thợ săn thưởng trên mạng cũng tăng đáng kể, thậm chí, một số coi đây là nghề. Các thợ săn còn liên kết với nhau lập nên các hội kín và hội mở trên Facebook, hoạt động theo nguyên tắc có qua có lại.
Rồi chị bắt đầu thắng các giải thưởng. Ban đầu chỉ là chiếc áo mưa hay hộp sữa, dần dà, chị nhắm đến những cuộc thi với giải thưởng có giá trị như iPad, iPhone... Càng thi nhiều chị càng có kinh nghiệm và quyết tâm tăng thêm bộ sưu tập giải thưởng của mình. Do kết bạn nhiều, trúng thưởng nhiều và rất năng nổ trên mạng, chị nghiễm nhiên có nhiều người quan tâm (followers). Các nội dung đăng tải của chị bỗng trở nên có ảnh hưởng trên fanpage.
Nhìn chung, các thợ săn thưởng trên fanpage là người có thời gian và tần suất sinh hoạt trên mạng xã hội cao. Họ thường xuyên cập nhật thông tin giải thưởng mới, nhất là từ các công ty về hàng tiêu dùng nhanh, thời trang, ăn uống, và họ rất chịu khó đầu tư cho cuộc thi. Nếu dạo một vòng trên Facebook của họ, có thể thấy những status như “Cả nhà ơi, vào bình chọn cho bé Cà Ri nhé”, “Ôi, một em iPhone 5s đã về với mình”, và cả những phàn nàn về một cuộc thi nào đó. Họ có khả năng tạo ra ảnh hưởng nhất định tới khách hàng khác nhờ những hiểu biết về công ty, sản phẩm và luật chơi. Có thợ săn thu hút hàng chục ngàn followers trên tài khoản Facebook cá nhân.
Doanh nghiệp nghĩ gì về thợ săn thưởng?
Câu hỏi đặt ra là sự tham gia của các thợ săn thưởng ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?
Như nhiều thứ khác, thợ săn thưởng đem đến cả lợi và hại. Một số doanh nghiệp lớn thuê công ty tiếp thị mạng (agency) quảng cáo sản phẩm thì thường quan tâm đến số lượng hơn là chất lượng fan. Do đó, đôi khi công ty tiếp thị thực hiện các thủ thuật câu “like” bằng cách trả tiền cho các thợ săn tham gia để tạo tiếng vang. Tuy nhiên, với chính sách hạn chế câu like gần đây của Facebook, điều này trở nên khó khăn hơn và doanh nghiệp chuyển hướng sang việc bổ sung một số điều lệ như mời thêm người tham gia. Tuy vậy, theo nhân viên của một công ty tiếp thị, tiêu chí “like” vẫn được doanh nghiệp lớn ưu tiên dù họ đã được tư vấn các tiêu chí khác công bằng hơn.
Doanh nghiệp muốn tổ chức một cuộc thi ấn tượng trên fanpage thì giải thưởng cần có giá trị. Điều này thu hút các thợ săn thưởng tham gia. Cái khó của doanh nghiệp là vẫn muốn các thợ săn thưởng tham gia để tạo tiếng vang nhưng đồng thời cũng cần người thắng giải có chất lượng và có hiệu ứng PR (quan hệ công chúng) tốt. Sẽ là một thất bại về mặt hình ảnh khi tên tuổi người thắng cuộc đăng tải lên báo chí lại là một thợ săn thưởng chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp có thể bị tai tiếng vì không có chiến lược tiếp cận và làm việc với các thợ săn. Một doanh nghiệp về thời trang trẻ em cho biết họ từng dính đến rắc rối với thợ săn khi thay đổi điều lệ cuộc thi giữa chừng nhằm tạo ra sự công bằng cho người tham gia. Ai dè thợ săn đã in màn hình (print screen) điều lệ và bắt đầu phát tán các thông tin tiêu cực về cuộc thi và doanh nghiệp. Tệ hơn là các nhóm thợ săn mâu thuẫn chống đối nhau gay gắt khiến cuộc thi rơi vào tình trạng khủng hoảng. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm thợ săn cũng khiến cho những người dự thi một cách công bằng cảm thấy bị uy hiếp và không có khả năng cạnh tranh, dẫn đến bỏ cuộc. Hệ quả là ảnh hưởng tiêu cực đến nhãn hàng và uy tín của doanh nghiệp.
Các phương thức để tạo ra một cuộc chơi công bằng hơn có thể bao gồm sự chuẩn bị chi tiết thể lệ và điều kiện cuộc thi; định nghĩa rõ ràng “like thật” và “like ảo”; tổ chức các trò chơi hỗ trợ (minigame) trên fanpage và các cuộc thi lớn trên ứng dụng (app) của Facebook; nhận dạng SMS khi đăng ký tài khoản và giới hạn số lần đăng ký điện thoại hay e-mail. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chia cuộc thi thành tối thiểu hai vòng: vòng 1 lấy 50% bình chọn từ người chơi và 50% từ ban giám khảo; vòng 2 do ban giám khảo chọn. Tuy nhiên, theo một nhân viên tiếp thị, hiệu quả vẫn chưa cao và khả năng chiến thắng của các thợ săn là trên 60%.
Trong Tam Quốc, Tào Tháo thua trận muốn rút quân nhưng sợ mất mặt với chư hầu nên rất lưỡng lự. Tướng sĩ hỏi mật khẩu gác đêm, Tháo vô tình buột miệng “kê cân” (gân gà) do tình cảnh của Tháo giống như đang nhai món gân gà, bỏ đi thì tiếc mà chén cũng không ổn. Với nhiều doanh nghiệp, thợ săn thưởng trên fanpage đôi khi cũng giống như món gân gà vậy. Thực tế là chừng nào còn giải thưởng thì chừng đó còn thợ săn.
Doanh nghiệp nên học cách sống chung với thợ săn thưởng và cần có chiến lược để phòng ngừa tình thế nhai phải miếng gân gà!
Tiếp thị qua fanpage
Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như ẩm thực, thời trang, hàng xách tay, mỹ phẩm thường tự tạo fanpage nhằm tiếp thị sản phẩm. Doanh nghiệp lớn thì thường thuê công ty quảng cáo tạo fanpage. Cách làm này vừa nhanh vừa tiết kiệm nên hiện có khá nhiều fanpage trên Facebook.
Các cuộc thi được tạo ra khi doanh nghiệp lập fanpage nhằm thu hút fan. Sau một thời gian, số lượng fan sẽ đạt mức bão hòa và đứng yên, chưa kể rất nhiều fan bấm “like” vì những lý do không rõ ràng nên không có sự trung thành với fanpage. Doanh nghiệp muốn duy trì và tăng số fan sẽ mở các cuộc thi khác. Ngoài ra, tổ chức cuộc thi trên fanpage cũng là một thủ thuật tiếp thị để tạo tiếng vang, kích thích thảo luận về sản phẩm, thử sản phẩm, hoặc nhằm định hướng niềm tin vào sản phẩm.
Người quản trị của các fanpage thường là chủ doanh nghiệp, cần nhiều thời gian lên ý tưởng cho cuộc thi sao cho vừa phù hợp với hình ảnh nhãn hàng vừa khác biệt với đối thủ. Tất nhiên, họ còn phải lên chiến lược đối phó với các thợ săn thưởng.
Nguồn: Kinh Tế Sài Gòn
5 số liệu bất ngờ về Social Media có thể thay đổi toàn bộ chiến lược của bạn
5 sai lầm"giết chết" fanpage Facebook
Làm thế nào để phân tích chỉ số ROI trong Social Media?
Doanh nghiệp nhỏ cần mạng xã hội